Dự báo “Làn sóng đầu tư dệt may từ Trung Quốc vào Việt Nam”

Sáng nay 27/5, Nhật Báo Hoa Nam (South China Morning Post -SCMP) đã có  bài nhận định về làn sóng đầu tư của các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đón nhận thông tin này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động có chiến lược đầu tư hợp lý, vừa tranh thủ các cơ hội hợp tác cùng có lợi “win-win” nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo được tính cạnh tranh khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Theo bài báo, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuẩn bị đầu tư vào thị trường Việt Nam không chỉ bởi được hưởng nhiều ưu đãi về thuế cùng giá nhân công rẻ hơn, mà còn là nơi xâm nhập thị trường Mỹ với mức thuế xuất khẩu thấp hơn nhiều so với tại Trung Quốc.
Việt Nam đang nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư nước ngoài,  trong đó có các nhà sản xuất Trung Quốc. Theo phân tích của các chuyên gia, nếu hoàn tất việc thương thảo với Mỹ và 9 quốc gia thành viên khác trong vòng đám phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới, Việt nam sẽ được hưởng mức thuế suất chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 0% so với mức 17% mà Mỹ đang áp đối với các sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam có lợi thế lớn so với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, vốn đang phải chịu mức thuế suất lên tới 37% khi vào thị trường dệt may Mỹ. 

Công ty dệt may Texhong Textile, đơn vị có doanh số tới 6,15 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 1 tỷ USD trong năm ngoái, là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong mở rộng đầu tư tại Việt Nam.“Hàng dệt may Việt Nam hiện đã được hưởng thuế suất 0% vào Trung Quốc. Nếu họ cũng được miễn thuế khi xuất vào Mỹ, kế hoạch mở rộng công suất của chúng tôi là chưa đủ”, Hong Tianzhu, chủ tịch của Texhong khẳng định.
Vòng đàm phán TPP đầu tiên vừa kết thúc tại thủ đô Lima của Peru vừa qua đã bàn thảo nhiều vấn đề, bao gồm bản quyền, mậu dịch xuyên biên giới và các vấn đề pháp lý. Nhưng thỏa thuận về dệt may là một trong những điểm nhấn và để được hưởng thuế suất 0%, Việt Nam phải đồng ý rằng toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ dệt, may, nhuộm phải được thực hiện tại các quốc gia thành viên TPP. Ông Hong tin rằng thỏa thuận này sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. “Việt Nam là nước mạnh về dệt và sản xuất hàng may mặc, nhưng lại không mạnh về các công đoạn như thêu, đan và nhuộm vải. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để tăng trưởng”.
Hãng dệt vải Pacific Textiles của Trung Quốc đại lục, vốn đang chuẩn bị mở một liên doanh trị giá 180 triệu USD tại Việt Nam với nhà sản xuất vải Crystal group của Hong Kong, cũng có kế hoạch đầu tư thêm khoảng gần 50 triệu USD cho dự án này để nâng công suất.
Một số nhà phân tích cho rằng tình hình tại Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản. Từ đầu năm đến nay, chỉ số HoSE đã tăng 20% nhờ các nỗ lực kiểm soát lạm phát, kích thích tăng trưởng tín dụng và ổn định tỷ giá VND của chính phủ Việt Nam.  Trong năm ngoái Việt Nam đã có năm thặng dư thương mại đầu tiên với mức 284 triệu USD sau 20 năm thâm hụt, và mức độ thặng dư tiếp tục nới rộng lên 480 triệu USD trong quý 1 này.  
  • « Quay lại




  • Tin khác: