Chính danh doanh nhân trong Hiến pháp

Với nội dung của khoản 3 Điều 51 của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân khác đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần phát triển đất nước”, doanh nghiệp, doanh nhân đã được ghi tên như một chủ thể đóng vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.             
Hơn thế, theo đại biểu quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam, sự xuất hiện của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp không chỉ nhằm đảm bảo tính cơ cấu các giai tầng xã hội. Bởi, với vai trò là khuôn khổ pháp lý nền tảng của một quốc gia, việc hiến định doanh nghiệp, doanh nhân đã hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách rõ ràng về  xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn mới.



“Cùng với việc khẳng định vị trí của các giai tầng xã hội: công nhân, nông dân, trí thức,  cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang trong Hiến pháp, việc bổ sung thêm doanh nhân, một trong năm cánh sao trên lá cờ tổ quốc vào Hiến  pháp lần này là một bước tiến quan trọng, phù hợp với yêu cầu của lịch sử”, ông Lộc nhấn mạnh khi nhắc lại hành trình dài đưa doanh nghiệp, doanh nhân vào Hiến pháp mà ông với tư cách là Chủ tịch Phòng Thương mại và Việt Nam, tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Cho tới thời điểm này, cả nước đã có hàng triệu doanh nhân, những người đang đứng muic chịu sào, lãnh đạo, điều hành gần 500.000 doanh nghiệp, 15.000 hợp tác xã, 4 triệu hộ kinh doanh. Họ chính là những người đang đóng góp của cải, công sức, trí tuệ, cùng với toàn cả nước đưa nền kinh tế vượt qua những giai đoạn khó khăn, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.    

Chính họ cũng đang là những người phải đối mặt trực tiếp, gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề khi nền kinh tế có những diễn biến không thuận. Trong lúc này, nhiều doanh nhân đã hy sinh lợi ích của mình để duy trì sản xuất, giữ được công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho người công nhân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.    
    
“Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nhân bằng quyết định mỗi năm có một ngày doanh  nhân, Đảng đã ra nghị quyết để định hướng và chỉ đạo về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập. Việc chính danh của doanh nghiệp, doanh nhân trong hiến pháp nhằm khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất với bài bản, hiện đại, có quy mô đủ lớn, có hiệu quả  có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy động lực tăng trưởng chính của mọi nền kinh tế”, ông Lộc nói và cho biết, đây chính là lý do mà khi thảo luận về Hiến pháp, ông đã kiến định với đề nghị cùng với việc đưa doanh nhân thì nên đưa doanh nghiệp vào điều 51 của Hiến pháp.

Như vậy, có thể nói, doanh nghiệp, doanh nhân đã phải trải qua những bước thăng trầm lớn, từ chỗ là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp, rồi bị coi là con buôn, con phe trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không có tên trong cả từ điển tiếng Việt… doanh nghiệp, doanh nhân đã được nhìn nhận và định danh đúng với vai trò, vị trí trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội của đất nước.        

Điều này một mặt tạo niềm tin cho doanh nhân, đề cao trách nhiệm của doanh nhân, mặt khác cũng yêu cầu hệ thống chính sách, thể chế quốc gia cũng cần được chuyển dịch để phục vụ cho cam kết này. 
  • « Quay lại




  • Tin khác: